Thứ sáu, 14/10/2016 - 16:38

Bảo tồn động, thực vật ở Phong Nha

Giữa thẳm sâu vùng hoang mạc đá vôi (KAST) nổi tiếng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) có một đội cứu hộ đặc biệt, với nhiệm vụ tìm kiếm, bảo tồn và cứu hộ các loài động, thực vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ðiều ấn tượng nhất ở đây không phải là hàng trăm loài thực vật, hàng chục loại động vật quý hiếm đang được chăm sóc đặc biệt như những "người bệnh" trong một khu điều dưỡng, mà chính là sự nỗ lực để nhân rộng, trả lại núi rừng ngày càng nhiều loài cây, con vốn đã vắng bóng từ nhiều năm nay trong môi trường tự nhiên.

Qua cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh, rẽ theo đường 20 Quyết Thắng là vào sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Khác với không khí náo nhiệt, tấp nập ở bến thuyền Xuân Sơn hay trên dòng sông Son - tuyến du lịch tham quan hệ thống động Phong Nha, đường 20 Quyết Thắng càng luồn sâu vào rừng rậm càng u tịch và hiểm trở. Con đường rừng dù đã trải nhựa hoặc thảm bê-tông, nhưng qua những đèo, dốc khi hun hút xuống vực, khi chất ngất vách lèn, khiến ta có cảm giác một chút hiểm nguy của những cung đường Trường Sơn năm xưa.

Xe dừng lại, một bên là vách lèn dựng đứng, một bên là thảm rừng già không một tia nắng xuyên qua. Ðây là nơi được chọn làm vườn thực vật. Gọi là vườn, nhưng rất khó phân biệt giới hạn đâu là vườn, đâu là rừng. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Lê Thúc Ðịnh giải thích: "Hiện nay vườn có diện tích 41 ha, thời gian tới sẽ mở rộng lên hơn 100 ha. Là nơi nghiên cứu các loại thực vật quý hiếm, cũng là "trạm điều dưỡng" cho các loài thực vật quý cứu hộ được từ tay lâm tặc".

Ở nơi "vườn trong vườn" ấy, có một khu dành cho phong lan. Phong lan ở đây đủ loại, đủ tuổi. "Cao niên" nhất là lan nghinh xuân. Chúng được "giải thoát" từ tay nhiều nhóm lâm tặc chuyên khai thác phong lan đưa về phố. Cứ mỗi độ xuân sang, lan đua nhau khoe sắc, tỏa hương khiến cả khu vườn ngào ngạt và rực rỡ. Bao nhiêu ong, bướm tụ về, náo nức như ngày hội. Ðịnh chỉ cho tôi những chậu lan xếp hàng chật kín ở tầng dưới cùng: "Lan hài đó anh. Chúng em mới mang từ trên lèn về".

Trong họ nhà lan thì lan hài xứng đáng được coi là "nữ hoàng". Chưa nói đến sắc hương và giá trị dược tính, sự hiếm gặp cũng đã khiến lan hài nổi tiếng. Ở Việt Nam, lần đầu lan hài được tìm thấy ở vùng gần Nha Trang vào những năm 20 của thế kỷ trước. Lập tức nó trở thành bảo vật trong những bộ sưu tập của giới chơi hoa từ bắc chí nam. Sự săn lùng ráo riết trong nhiều năm đã khiến lan hài nhanh chóng vắng bóng trong tự nhiên.

Sự trở lại của lan hài cũng là một câu chuyện thú vị. Cách đây hai năm, một cuộc thám hiểm hoang mạc đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, đoạn từ km 37 đến km 40 dọc đường 20 Quyết Thắng, các nhà khoa học đã phát hiện ở độ cao khoảng 650 m trên lèn đá cả một khu rừng bách rộng đến 5.000 ha. Theo các nhà khoa học, loài bách xanh ở nước ta còn rất ít và nhỏ, chủ yếu tập trung ở vùng suối Ða-ta-la và thác Ða-rơ cao (Ðà Lạt) với đường kính 5-10 cm. Vậy mà ở đây bạt ngàn những cây bách có tuổi đời từ hơn 500 năm, gốc to đến hai người ôm mới xuể. Các nhà khoa học thuộc Viện Thực vật Cô-ra-mốp (Viện Hàn lâm khoa học LB Nga) khẳng định, khu rừng này là quần thể bách xanh núi đá (tên khoa học: Calocedrus rupestris Aver) cổ sơ nhất và rộng lớn nhất còn sót lại ở khu vực Ðông - Nam Á.

Những cây bách cao hơn 20 m, đường kính hơn 1 m, khoảng nửa nghìn năm đứng trên núi đá ngạo nghễ tỏa bóng giữa lưng chừng trời, thật là khí phách! Dưới nền đá núi, nhiều thân bách đã "nằm" xuống, có thể đã bảy, tám trăm hay một nghìn năm trước, nhưng đến bây giờ vẫn tỏa hương thơm. Dưới tán rừng cổ, nép giữa những thân bách già ấy là nơi ở của lan hài. Kỳ lạ thay, lan hài không sống bám vào thân cây hay mọc từ đất như bao loài lan khác, mà như được sinh ra từ... đá. Những hốc đá trên lèn cao chứa mùn lưu cữu từ cây bách chính là ngôi nhà của lan hài. Thế nên, nếu ví loài bách là đấng quân vương của giới thảo mộc thì lan hài chính là "nàng công chúa" kiêu sa và hiếu đễ vậy. Có lẽ bởi "ăn" bằng gỗ bách, "thở" bằng hương bách mà lan hài có được vẻ đẹp thanh tao đến thế?

Ðịnh vừa nâng niu một chậu lan hài, nhìn ra khoảng rừng rậm mà ở đó các anh đã cấy rất nhiều loài lan lên thân cây vừa bộc bạch khát vọng: "Chúng em sẽ nhân lan hài ra thật nhiều để trả về tự nhiên. Ước gì đến một ngày cả vùng núi đá Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ nở đầy lan hài và điệp trùng bách xanh...". Tôi biết, ước mơ của Ðịnh và anh em trong đội cứu hộ Phong Nha không hề viển vông. Rồi đây, Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ là xứ sở của bách xanh và phong lan quý hiếm của núi rừng đất Việt. Nhưng, con đường từ đây đến đó còn xa và gian nan lắm. Bởi để nuôi một cây gỗ quý trở thành cổ thụ đã là khó, tạo nên một khu rừng già nguyên sinh hội đủ chủng loại cây, quanh năm thâm u, ẩm ướt để làm ngôi nhà cho phong lan càng khó hơn. Riêng chuyện hiểu tính nết của bách xanh và lan hài lèn đá Phong Nha này thôi cũng đã kỳ công lắm rồi. "Nàng công chúa" của rừng bách cổ thật đỏng đảnh. Không thích nắng gắt đã đành, đến độ ẩm cao cũng không ưa mà nóng lắm cũng khó bề sống nổi. Ngược lại, họ nhà bách càng "xông pha" trên những sườn non, dốc núi, khô hạn và cỗi cằn lại càng xanh tươi, miễn là được đứng giữa lưng trời...

Các giống lan hài, gồm lan hài xanh, lan hài xoắn và lan hài đốm mà đội cứu hộ Phong Nha đang chăm sóc là một trong 62 loài thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam và trong 79 loài thực vật trong Sách đỏ thế giới đang có mặt ở vườn quốc gia này. Riêng về lan, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng có gần 300 loài. Trong năm năm tìm kiếm, hơn 160 loài đã được quy tụ về vườn cứu hộ này. Ngoài giống lan hài, ở đây có cả lan kim tuyến, lan hoàng thảo... những giống lan quý dường như đã tuyệt chủng trong tự nhiên.

Khi mới đến Phong Nha - Kẻ Bàng, tôi cảm thấy thất vọng vì gọi là "viện điều dưỡng" các loại lan quý hiếm lại không được xanh tốt như những vườn lan đây đó dưới phố. Hỏi ra mới hay mục tiêu ở trung tâm cứu hộ này không phải để tạo ra một vườn hoa tươi tốt mà chính là sự tồn tại của các giống lan quý hiếm này trong điều kiện tự nhiên. Bởi vậy, ngoại trừ phòng, chống dịch bệnh, còn ở đây không hề có bóng dáng của các loại hóa chất, kể cả phân bón lẫn thuốc bảo vệ thực vật hay một chế phẩm nhân tạo hỗ trợ nào được sử dụng hằng ngày. Tất cả đều dựa vào môi trường sống tự nhiên.

Mục tiêu này càng rõ hơn tại khu vực cứu hộ động vật. Ở đây có hàng chục con thú, đủ các loại từ khỉ, vượn, gấu, đến rắn, chồn, nhím... đều được giải thoát từ các quán nhậu hoặc trên đường vận chuyển. Quy trình chăm sóc rất nghiêm ngặt và yếu tố tự nhiên luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiệm vụ của đội cứu hộ là điều dưỡng, chữa trị vết thương hoặc các loại bệnh cho thú, đến khi chúng bình phục hoàn toàn thì thả về rừng. Vì vậy kỵ nhất là xu hướng thuần dưỡng. Nhìn cảnh một chú gấu con đen mượt cứ đòi được dũi mõm vào tay chàng kỹ sư trẻ mà không được, thấy thật thương. Cách đây chừng nửa năm, chú gấu này còn rất nhỏ, bị thợ săn bắt được đem về phố. Một người dân đã bỏ tiền ra "chuộc" lại rồi đem đến Trung tâm cứu hộ Phong Nha. Bây giờ thì chú đã nhanh nhẹn, khỏe mạnh lắm rồi. Chàng kỹ sư trẻ giải thích: "Chúng em thương lắm. Nhưng không dám vuốt ve vì sợ nó quen". Bởi một khi đã quen hơi người thì con vật sẽ rất khó khăn khi trở về rừng sống đời hoang dã. Các nhân viên ở đội cứu hộ động vật chỉ hai chú công trong khu chuồng cạnh đó. "Hai chú này ở với tụi em khá lâu rồi nên giờ không thể về rừng được. Có lẽ sắp tới đưa đến khu du lịch sinh thái để làm cảnh cho khách tham quan thôi".

Với diện tích 85.754 ha, độ che phủ của rừng đạt 93,8%, trong đó có gần 65 nghìn ha rừng còn ở dạng nguyên sinh, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được các nhà khoa học xếp hàng đầu về giá trị bảo tồn trong các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam. Chỉ trong năm năm, từ 2003 đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 19 loài động thực vật mới cho khoa học, như tắc kè Phong Nha, rắn sãi mép trắng, rắn lục Trường Sơn và có đến mười loài cá nước ngọt...

Năm năm, 19 loài động, thực vật mới đã được phát hiện hẳn là một kỷ lục ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và chắc chắn con số này không dừng lại ở đó, bởi những giá trị đặc biệt về địa mạo, địa chất và hệ động, thực vật có tính toàn cầu của một di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng câu chuyện cứu hộ thú rừng và phong lan quý cũng như niềm mơ ước của những người làm công tác nghiên cứu khoa học và cứu hộ ở Phong Nha - Kẻ Bàng về một xứ sở của lan hài và bách xanh cứ làm tôi nhớ mãi.

BBT