Thứ tư, 24/11/2021 - 16:51

Công bố loài Sát khuyển Quảng Bình mới cho khoa học sau 10 năm phát hiện

Các nhà nghiên cứu thực vật Việt Nam và Nga vừa công bố loài thực vật mới cho khoa học được đặt tên là Sát khuyển Quảng Bình - Cynanchum quangbinhense – thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), phân họ Thiên lý (Aslepiadoideae). Đây là một loài dây leo, phát hiện vào năm 2011 tại khu vực rừng trên núi đá vôi xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

Trong một đợt khảo sát thực vật tại khu vực núi đá vôi thuộc xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình do TS. Nguyễn Tiến Hiệp (Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam) làm chủ trì vào năm 2011, TS. Phạm Văn Thế đã phát hiện một loài dây leo lạ. Loài thực vật này mọc tại sườn núi đá vôi, có chiều dài khoảng 4 m, thân có nhựa mủ trắng và hoa màu hơi vàng-xanh.

Khu vực núi đá vôi nơi phát hiện loài mới Sát khuyển Quảng Bình tại xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Phạm Văn Thế nhận định đây là một loài thuộc chi Sát khuyển (Cynanchum), thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), phân họ Thiên lý (Aslepiadoideae). Loài này gần giống với loài Sát khuyển Đài Loan (Cynanchum ovalifolium), tuy nhiên chúng khác với các loài đã biết ở hình dạng lá, chùm hoa ngắn và ít hoa, hoa nhỏ và hình dạng của tràng phụ.

Sau khi xem xét rất kỹ lưỡng các đặc điểm của hoa, phải đến 10 năm sau kể từ khi phát hiện, nhóm nghiên cứu thực vật do TS. Phạm Văn Thế (Trường Đại học Văn Lang) phụ trách mới quyết định công bố loài mới cho khoa học. Vì loài này phát hiện đầu tiên ở Quảng Bình nên được đặt tên khoa học là Cynanchum quangbinhense Nuraliev & V.T. Pham, tên tiếng Việt được đề nghị là Sát khuyển Quảng Bình.

Thân, lá và chùm hoa loài Sát khuyển Quảng Bình

Loài Sát khuyển Quảng Bình phân biệt với loài Sát khuyển Đài loan ở lá hình nhọn giáo với gốc lá hình nêm và đầu lá nhọn, hoa chùm ngắn, cánh hoa hình trứng hẹp với đầu tù, mép tràng phụ xoăn, và phần phụ bao phấn hình nhọn giáo rộng với đầu lõm. Loài mới này cũng khác với loài Sát khuyển Quảng Tây (Cynanchum kwangsiense) ở hình dạng lá nhỏ, hoa chùm, cánh hoa vàng nhạt-xanh và nhẵn.

Các loài trong chi Cynanchum đều có độc, vì vậy được gọi là Sát khuyển. Ở Việt Nam hiện đã ghi nhận được tổng cộng 7 loài, bao gồm cả loài mới công bố. Các loài Sát khuyển đều có đặc điểm chung là dây leo và có nhựa mủ trắng. Hiện nay loài Sát khuyển Quảng Bình mới chỉ phát hiện phân bố tại khu vực rừng trên núi đá vôi xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

Hoa loài Sát khuyển Quảng Bình

Chi tiết về Sát khuyển Quảng Bình được công bố trên tạp chí ISI chuyên ngành thực vật Taiwania cuối 10 năm 2021 tại địa chỉ:

Cynanchum quangbinhense (Apocynaceae: Asclepiadoideae), a new species from Vietnam, and additional information on C. officinale” https://taiwania.ntu.edu.tw/abstract.php?type=abstract&id=1783

Tổng số loài thực vật cho đến nay tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành; trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 03 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ./.

TS. Phạm Văn Thế (Trường Đại học Văn Lang)