Lễ hội rằm tháng ba có từ bao giờ, đến nay vẫn chưa có một cứ liệu nào có thể khẳng định một cách cụ thể về thời gian, sự tích hình thành, hình thức sinh hoạt và giá trị văn hoá. Thế nhưng từ bao đời nay, lễ hội đã đi vào tâm thức của người dân Minh Hóa và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kết tinh nét văn hóa đặc sắc của một vùng quê sơn cước.
Mở đầu là lễ rước Bụt (lư hương) từ thác Bụt, một địa chỉ linh thiêng về chùa Quy Đạt. Đi đầu đám rước là 4 chàng trai ăn mặc chỉnh tề, quần quấn xà cạp, áo trắng viền đỏ, theo sau là 12 chàng trai khác cầm 12 lá cờ phật, kế tiếp là kiệu của ông Từ (chủ lễ), ở giữa hai kiệu là tấm đỏ tượng trưng cho ruột Đường Tăng, cầm tấm vải đỏ là 4 vị sư sãi, sau đó là các chức sắc địa phương và 6 vị quan tăng (6 vị hộ tống ông Từ), cuối cùng theo đoàn là đông đảo già trẻ, gái trai trong vùng. Đám rước kéo dài khoảng 30 phút, đi vòng quanh chùa một vòng trước khi vào chùa tế lễ cầu nguyện cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết và mùa màng bội thu. Lễ vật cúng tế gồm: hoa trái, xôi chè, bánh, hương đèn, trầu rượu. Tế lễ xong, dân làng quây quần hò hát bày tỏ lòng tôn kính thần linh.
Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội được bắt đầu rất sôi động mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng sơn cước Minh Hóa. Các hoạt động văn hóa dân gian như hát ví đúm (hát đối đáp), hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc, chơi đu, nhảy sạp, cà kheo, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, cờ thẻ, ném xoang… Đặc biệt là dân làng khắp nơi trong vùng đổ về chợ Sạt (phiên chợ rằm) để mua sắm, trao đổi những sản phẩm giản dị do bàn tay lao động của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa làm ra và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn…. Quan trọng hơn đây còn là nơi gặp gỡ, hò hẹn của các chàng trai, cô gái vùng cao này, đêm trước diễn ra phiên chợ, thanh niên khắp nơi đổ về Quy Đạt mong muốn tìm được duyên mới tại phiên chợ duy nhất trong năm. Họ vui chơi suốt đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, hát múa giao duyên dưới ánh trăng rằm, nhiều cặp nam nữ dù ở cách xa nhau hàng ngày đường núi, nhưng qua hội chợ rằm nhiều đôi trai tài gái sắc đã nên vợ thành chồng nên nhiều người vẫn gọi chợ rằm tháng ba là “Chợ tình”.