Thứ bảy, 15/10/2016 - 15:12

Phòng kỷ, một loài mới được phát hiện tại vùng đệm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Dược Hà Nội và Viện Thực vật Dresden – Cộng hòa Liên bang Đức, đã phát hiện và mô tả loài thực vật mới thuộc chi Aristolochia, chi phụ Isotrema (họ Aristolochiaceae) trên tạp chí chuyên ngành PhytoKeys 33 (2014).

Loài thực vật mới này có tên là Phòng kỷ Quảng Bình Aristolochia quangbinhensis Do, được đặt theo địa danh, nơi phân bố tự nhiên của loài này. Chi Aristolochia có khoảng 500 loài, phân bố chủ yếu vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, các loài thực vật trong chi này là thức ăn ưa thích của sâu non thuộc họ Bướm phượng (Papilionidae) – bộ Cánh vẩy (Lepidoptera). Các loài trong chi này được sử dụng rộng rãi trong nền y học dân tộc của  Việt Nam và Trung Quốc, ngoài ra, đây cũng là nhóm thực vật quan trọng trong nghiên cứu đồng tiến hóa của sinh giới.
 
[Hình thái chung của Aristolochia quangbinhensis Do (Ảnh: Nghiêm Đức Trọng)]
Hình thái chung của Aristolochia quangbinhensis Do. Ảnh: Nghiêm Đức Trọng
 
Loài mới có đặc điểm hình thái tương tự với các loài Aristolochia championii Merrill (phân bố ở Nam Trung Quốc), A. vallisicola Yao (phân bố ở Peninsular Malaysia) và A. versicolor Hwang (phân bố ở Nam Trung Quốc ), tuy nhiên loài mới được phân biệt với các loài kể trên bởi những đặc trưng hình thái như: cuống lá dài 1.5–2.5(–3) cm, phiến lá hình ellip đến ellip thuôn; cuống cụm hoa dài 1.5–2 cm; đài hình chuông, đường kính 2–2.5 (–3) cm, duy nhất màu hồng, phớt tím trên cả 2 mặt, bao hoa không có các chấm màu và gân song song, bao hoa 3 thùy không đều nhau, mép các thùy cuộn tròn.
 
Loài mới được phát hiện dưới tán rừng lá rộng thường xanh trên núi đất thấp, gần với khu vực vùng đệm Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình, nơi đây đang chịu những tác động mạnh từ hoạt động đốt, phá rừng mở rộng diện tích đất canh tác, làm suy giảm vùng phân bố và kích thước của quần thể. Chính vì thế, theo tiêu chuẩn của IUCN (2013), loài mới được đề nghị ở mức sắp nguy cấp (VU D2).
 
Nguồn: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam
Tin cùng chuyên mục