Nằm trong dòng lịch sử đất Việt, Quảng Bình, Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi ghi nhận các bằng chứng từ sơ sử qua 33 di chỉ khảo cổ. Về nhân chủng học ở đây từng là nơi sinh sống của người cổ thuộc giống Indonesien, Negrito và Mongoloid cổ. Các địa danh được ghi có tồn tại Văn hóa Hòa Bình, gồm: Bàu Tró và nhiều nơi khác như hang Kim Bảng (Yên Hoá, Minh Hoá), hang Xóm Thón (Thượng Hoá, Minh Hoá), hang Trăn (Tân Hoá, Minh Hoá), Hang Xóm Thâm (lớp dưới) ( Trung Hoá, Minh Hoá), Mái đá Đức Thi (Tân Ninh, Quảng Ninh), Hang Khe Toong (huyện Quảng Ninh). Ngoài ra, có một số dấu tích tìm thấy ở Hưng Trạch, Sơn Trạch, Thượng Hoá, Trung Hoá, Tân Hoá và các vùng ở Quảng Lưu, Thanh Khê thuộc về nền văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh. Những giá trị văn hóa qua các di chỉ và đặc trưng về tự nhiên mang tính ngoại hạng toàn cầu tạo cho Quảng Bình, Phong Nha - Kẻ Bàng một vùng sinh thái nhân văn mà khó có nơi nào có được. Và những giá trị tự nhiên hòa quyện cùng gía trị văn hóa là nguồn tài sản hiếm, quý của nhân loại.
Về nhân chủng học các nhà khoa học M. Colani và E. Patte đã chứng minh có giống người Indonesien, Negrito, và Mongoloid, vào giai đoạn Tân thạch và Trung thạch (Colani M, 1936). Năm 1922 E. Patte đã tiến hành khai quật ở điểm có toạ độ 17o48’45"B và 106o11’15"Đ thuộc Minh Cầm, xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hoá ghi nhận mộ táng của một trẻ em khoảng 9 tuổi thuộc nhóm Negrito và một hàm dưới người thuộc chủng Mongoloid cùng với một số công cụ được tìm thấy trong hang như rìu và bôn đá có vai, rìu tứ giác mài toàn thân, phác vật rìu và công cụ đẽo bằng đá, mũi nhọn xương, đồ trang sức và đồ gốm. Qua phát hiện cho thấy, di chỉ Minh Cầm có thể vừa là điểm mộ táng vừa là nơi cư trú của cư dân thuộc Tân thạch (Vũ Thế Long). Ở Minh Cầm E. Batte đã ghi nhận các công cụ bằng đá, hoa tai bằng vỏ sò một đầu được dùi lỗ để xuyên dây đeo tai. Đồ gốm cũng là một hiện vật thu được nhiều trong các di chỉ. Những đồ gốm thô, độ nung không cao nhưng đã được trang trí khá nhiều hoa văn đẹp. Bên cạnh hoa văn thừng còn có hoa văn khắc vạch, miết láng, chấm dải, trổ lỗ với nhiều đồ án đẹp mắt (Trịnh Dương). Từ những năm 1923 - 1925, E. Patte đã nghiên cứu các di chỉ ở Bàu Tró - Đồng Hới Quảng Bình và ghi nhân các dụng cụ đồ đá thời Tân thạch. Herry Mansuy suy luận rằng với điều kiện tự nhiên có thể khu vực này là nơi đã từng cư ngụ của giống Hominien thời kỳ Plio-pleistocene. Theo G. Montadon thì nhân loại bắt đầu với giống người xưa nhất, là người sơ thuỷ - Anthropien, và người sơ khai-Hominien. Năm 1930, ở Tuyên Hoá, Madeleine Colani phát hiện ra di chỉ hang Yên Lạc, toạ độ 17047'2"B và 106039'43"Đ, nằm trên bờ sông Nan một chi lưu thượng nguồn sông Gianh, xã Yên Hoá, huyện Tuyên Hoá. Trong tầng văn hoá cấu tạo bằng vỏ trai, ốc nước ngọt có lẫn nhiều xương thú, có 301 công cụ đá thuộc văn hoá Hoà Bình và cả một số hiện vật thuộc giai đoạn muộn hơn như gốm hoa văn thừng, mảnh vòng đá mài, xương hàm và răng của người xưa. Điều đó chứng tỏ người xưa chôn cất người chết ở ngay trong hang nơi họ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Và qua nghiên cứu cho thấy, chủ nhân của văn hoá Hoà Bình trên đất Quảng Bình thời tiền sử sống trong các hang đá, mái đá cao ráo, nhiều ánh sáng và gần nguồn nước, thức ăn chủ yếu của họ là ốc. (Vũ Thế Long). Ngoài ra các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di chỉ Văn minh Hòa Bình như Cồn Nền nằm ở bờ Bắc sông Gianh, di chỉ Lệ Kỳ nằm sát một dòng sông cổ bị vùi lấp, Hang Kim Bảng (Yên Hoá, Minh Hoá), Hang Xóm Thón (Thương Hoá, Minh Hoá), Hang Trăn (Tân Hoá, Minh Hoá), Hang Xóm Thâm (lớp dưới) (Trung Hoá, Minh Hoá), Mái đá Đức Thi (lớp dưới) (Tân Ninh, Quảng Ninh), Hang Khe Toong (lớp dưới) (huyện Quảng Ninh).
Có thể nói các phát hiện từ 1936 đến 1999 đã chứng minh Quảng Bình là nơi trú ngụ của cư dân thuộc nền Văn hóa Đông Sơn trong phạm vi rộng ở trên các vùng sinh thái khác nhau. Từ năm 1936 M. Colani phát hiện đồ đồng ở Cổ Giang, Hưng Trạch đến năm 1978, ở Thanh Khê, xã Thanh Trạch, Viện khảo cổ ghi nhận một thố đồng Đông Sơn có kích thước cao 19cm đường kính miệng 26,5cm. Miệng và thân có hoa văn trang trí 3 vành hoa văn đường tròn tiếp tuyến, chấm nổi (Trịnh Sinh). Tại Khương Hà, Hưng Trạch, năm 1978, Viện Khảo cổ học tìm thấy 1 lưỡi rìu đồng và dao găm đốc củ hành đã gẫy. Tại xã Sơn Trạch, vào năm 1996, người dân thôn 3, Phong Nha phát hiện 1 rìu đồng trong lèn đá Hà Lời, hình chữ nhật có họng tra cán, lưỡi rộng 6,5cm, dài 11,5cm, có hai gờ nổi trên một mặt (Trịnh Sinh). Hà Lời cách Khương Hà khoảng 10km dọc theo sông Son lên thượng lưu nơi M. Colani phát hiện ra di chỉ đồ đồng. Hai địa điểm đều ven bờ sông Son, một nhánh của sông Gianh. Tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn là các phát hiện Trung Thuần năm 1971, ở Đá Bàn năm 1985, ở Phù Lưu năm 1977, 1978 và 1994, 1999, thuộc xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, gồm: 02 trống đồng, 02 rìu đồng có cán, 6 rùi đồng xéo, 01 mũi lao đồng, 01 dao găm đồng, một chùm lưỡi câu tại núi (Trịnh Sinh). Cũng thuộc về Văn hóa Đông Sơn, có phát hiện quan trọng như 01 rìu đồng có hình lưỡi xéo, chiều dài 10cm, rộng 13cm, năm 1994, thôn Lệ Bình, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy; 01 rìu đồng lưỡi xéo và vòng đá, chuỗi hạt, 1995 và 01 rìu đồng lưỡi xéo, năm 1997 tại Tiến Hóa, Minh Hóa, 01 rìu đồng năm 1992, ở cống Khe Dê, huyện Quảng Ninh (Trịnh Sinh). Bên cạnh đó, cũng tại Trung Hóa, người dân còn tìm được khuôn đúc rìu lưỡi xéo tại xóm Hợp Hóa, trong một hang đá; khuôn làm bằng đá cát màu nâu và có cả 2 mang, cao 12cm, rộng 10cm (Trịnh Sinh). Việc tìm được khuôn đúc lưỡi rìu xéo, hiện vật đặc sắc của Văn hóa Đông Sơn cho thấy đây là một địa điểm đã từng chế tác rìu lưỡi xéo bằng đồng của Văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa cách đây trên 3000 năm kế thừa nền Văn hóa Phùng Nguyên (Trịnh Sinh).