Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.Chiều ngày 28/5/1946, “Hội Giúp binh sĩ tử nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “mùa đông chiến sĩ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh, liệt sỹ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày “Kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ”. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày Thương binh” toàn quốc, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh gia đình tử sĩ, vào năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16/8/1947 Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 “Ngày Thương binh” được đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ”.
Trải qua các cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân ta để giành độc lập, tự do cho dân tộc đã có biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ đã cống hiến hết tuổi thanh xuân của mình, ra đi góp máu xương để tạc dáng non sông, để vẽ nên hình đất nước, các Anh, các Chị đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ để tuổi trẻ hôm nay được sống trong độc lập, tự do, hòa bình và hạnh phúc.
Hằng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức thăm hỏi, động viên cán bộ công chức, viên chức, lao động trong đơn vị là thương binh, các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn các xã vùng đệm, tặng quà cho thân nhân các liệt sỹ tại Hang tám cô ở Thanh Hóa và các mẹ VNAH mà BQL Vườn nhận phụng dưỡng; dâng hươngtưởng niệm, thắp nến tri ân tại đền thờ các AHLS trên đường 20 Quyết Thắng.... Đây là các hoạt động tôn vinh người có công với cách mạng, ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của các chiến sỹ vì độc lập của dân tộc./.