Công tác quản lý bảo vệ rừng là nền tảng
Công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên được xem là nền tảng nhằm duy trì nguyên vẹn các giá trị tự nhiên để Phong Nha - Kẻ Bàng còn toàn vẹn các giá trị ngoại hạng được biết đến. Phải nói rằng 20 năm qua từ chổ chỉ có 04 Trạm Kiểm lâm với 15 người, đến nay toàn VQG có 11 trạm và 02 tổ kiểm lâm cơ động với 132 người; diện tích rừng quản lý tăng từ 85.754ha lên 123.326ha, ngoài ra còn quản lý hơn 3.000 ha rừng phòng hộ; thành lập 21 nhóm bảo tồn thôn bản và Ban tham vấn bảo tồn thôn bản khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm thực hiện tốt công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Lực lượng Kiểm lâm VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tuần tra bảo vệ rừng
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng liên quan trên địa bàn trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện tốt các quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng đã ký kết; chủ động phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát... để giải quyết các vụ việc có dấu hiệu hình sự liên quan đến khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.
Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp được triển khai thực hiện nghiêm túc và quyết liệt, vì vậy, số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng hằng năm giảm.
Nghiên cứu, bảo tồn và hợp tác quốc tế là trọng tâm
Với tinh thần vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác với bên ngoài, 20 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận được khá nhiều thành tựu quan trọng. BQL Vườn đã chủ động đề xuất nghiên cứu theo các lĩnh vực như đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, địa chất - hang động, các tác động lên tài nguyên.
BQL Vườn đã chủ trì và tham gia thực hiện 01 đề tài khoa học cấp bộ, 09 đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 03 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 02 giải sáng tạo kỹ thuật; xuất bản 05 ấn phẩm sách; phối hợp thực hiện trên 20 kế hoạch, chương trình nghiên cứu khoa học, gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế; 12 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc và quốc tế.
Phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát
Trong đó, có nhiều ứng dụng như: đề xuất giải pháp quan trắc và xử lý các tác động lên hang động du lịch, giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS và RS, quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại.
Sau 20 năm hợp tác và nghiên cứu đã phát hiện 43 loài mới cho khoa học và công bố trên toàn thế giới. Hiện nay, VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có 2.952 loài thực vật thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, điều tra và công bố danh lục 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành. Kết quả nghiên cứu là cơ sở quan trọng để thực hiện các chương trình bảo tồn và là cơ sở khoa học cho việc chỉ đạo điều hành trong quản lý bảo vệ và phát triển VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, BQL Vườn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao.
Thả động vật về môi trường tự nhiên sau quá trình chăm sóc, cứu hộ
Công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã được thực hiện tốt, tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 83%. Đã tiếp nhận và cứu hộ 1.378 cá thể động vật hoang dã; thả về môi trường tự nhiên 1.082 cá thể. Hiện đang nuôi cứu hộ 61 cá thể; đặc biệt đã thực hiện kiểm tra, giám sát diễn biến quần thể Voọc Hà Tĩnh tại Khu nuôi thả bán hoang dã Núi Đôi, có hai nhóm với tổng số 16 cá thể; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là cẩm nang cho hoạt động cứu hộ động vật hoang dã trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình.
Với những kết quả về công tác cứu hộ, hiện nay khu cứu hộ của VQG đã có vị trí trên bản đồ và mạng lưới các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trên toàn quốc.
Công tác nghiên cứu địa chất, hang động
Nghiên cứu cổ sinh học cho biết sinh vật hoá thạch cổ xưa trong thành tạo địa chất, khẳng định, Phong Nha - Kẻ Bàng ngày nay là kết quả của 05 giai đoạn phát triển của lịch sử Trái Đất, tạo nên một bình đồ địa chất có mặt các thành tạo từ kỷ Ordovician (477 triệu năm) đến Đệ Tứ ( 2,58 triệu năm) và hệ thống hang động ở đây có tuổi cổ nhất Đông Nam Á, khoảng kỷ Devon (254 triệu năm) muộn đến kỷ Permi (410 triệu năm).
Đặc biệt trong quá trình nghiên cứu hang, các nhà thám hiểm đã trải bước cùng thời gian để có những phát hiện hết sức quan trọng, công bố có 03 hệ thống động: hệ thống Phong Nha, hệ thống Vòm và hệ thống động Nước Moọc, trong đó có 404 động động được khảo sát, định vị, mô tả với tổng chiều dài trên 231 km.
Nghiên cứu thám hiểm hang động , đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Phong Nha - Kẻ Bàng trên khắp thế giới
Cùng với quá trình khám phá hang động, các nghiên cứu về hệ sinh thái trong hang động cũng được tiến hành. Các ghi nhận mới trong hang động như quần thể thực vật ở hang Sơn Đoòng, cá Hồ Khanh, bò cạp Thiên Đường đã chứng minh hệ sinh thái hang động là phần quan trọng cấu thành đa dạng sinh học của thế giới hữu sinh.
Các cuộc khảo sát, nghiên cứu hang động đã tiến hành đo vẽ, xây dựng các bình đồ hang động qua đó mô tả về hình thái, cấu trúc, kiểu động làm nổi bật những giá trị đặc trưng. Và từ những số liệu đó cho biết hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, bức tường thạch nhũ khổng lồ trong hang động này được gọi là bức tường Việt Nam; hay động Phong Nha có 7 cái nhất; hang Vòm dài nhất; Thiên đường thạch nhũ kỳ vĩ nhất…
Phát huy các giá trị Di sản là mũi nhọn
Với định hướng du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng là bộ mặt, là trái tim của du lịch Quảng Bình. 20 năm qua, các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa. Hiện nay, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 15 tuyến, điểm du lịch chính thức đi vào hoạt động và một số tuyến điểm khác đang khai thác thử nghiệm; nhiều sản phẩm du lịch đã được hoàn thiện như Zipline, Trecking, Homestay, Farmstay.... Đặc biệt, tuyến du lịch Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên không ngừng được nâng cao về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch cũng từng bước được đầu tư mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, dịch vụ ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh; hàng năm tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa - du lịch, lễ hội hang động tạo được ấn tượng tốt cho du khách...
Từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Các dịch vụ, du lịch phát triển đã thu hút lượng khách đến với Di sản ngày càng tăng. Nhờ vậy, 20 năm qua, Phong Nha – Kẻ Bàng đã thu hút hơn 09 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 01 triệu lượt); doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.434 tỷ đồng. Riêng năm 2019 VQG đã đón hơn 954 ngàn lượt khách/năm, tăng hơn 8,2 lần so với năm 2001. Đặc biệt, khách quốc tế có xu hướng tăng mạnh, bình quân khoảng 25 - 30%/năm.
Du lịch ở Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn Di sản, giảm áp lực lên tài nguyên, tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch. Hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia vào hoạt động dịch vụ như ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm; tham gia vào các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch (hiện có 401 thuyền), nhân viên chụp ảnh (hiện có 275 người).
là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới
Với những nổ lực và cố gắng trong thời gian qua, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã được tặng nhiều danh hiệu quan trọng, như: được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011); được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “Đã có nhiều thành tích trong công tác từ năm 2002 đến 2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc” (năm 2008) và công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2009); 02 lần được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường (năm 2005 và 2010); Uỷ ban UNESCO tặng Giấy khen cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích nổi bật (năm 2009) và tặng Kỷ niệm chương (năm 2018).
Bên cạnh đó, VQG nhiều năm được UBND tỉnh tặng Bằng khen (2003, 2005, 2008, 2015, 2017) và Cờ thi đua (năm 2016); Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Cờ thi đua (năm 2017).
UNESCO trao Bằng ghi danh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2
Thành tựu đạt được trong 20 năm qua trên tất các các lĩnh vực đã khẳng định tinh thần trách nhiệm của tập thể BQL, sự quyết tâm và nỗ lực cao độ, sự đồng sức, đồng lòng của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong VQG. Đồng thời, sự hỗ trợ, quan tâm, hợp tác của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà khoa học là tạo động lực và niềm tin để BQL Vườn đạt được thành quả nhằm phát huy hơn nữa sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Chặng đường phía trước chúng ta có những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên với những định hướng đúng đắn, sự cố gắng nỗ lực và quyết tâm cao của tập thể lãnh đaọ và toàn thể công chức, viên chức, lao động VQG. Với tiềm lực của chúng ta, với truyền thống đoàn kết, chịu khó, cần cù và sáng tạo; với sự ủng hộ mạnh mẽ của Lãnh đạo Tỉnh, của các cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, các nhà khoa học và đặc biệt là của chính quyền và người dân các xã vùng đệm, tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tranh thủ tốt thời cơ để xây dựng VQG Phong Nha - Kẻ Bàng ngày càng phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình thời kỳ hội nhập./.