Để tiếp nhận và chăm sóc 7 cá thể hổ này lâu dài, Trung tâm đã cử nhóm cán bộ kỹ thuật đến Vườn Quốc gia Pù Mát học kinh nghiệm chăm sóc, cứu hộ Hổ. Trên cơ sở kinh nghiệm được học và tư vấn của chuyên gia cũng như nghiên cứu các quy trình chuẩn, Trung tâm xây dựng quy trình kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở vật chất, chuồng trại; xây dựng phương án chăm sóc, khẩu phần thức ăn cho hổ đảm bảo phù hợp với tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của hổ và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
Để có nguồn kinh phí ổn định, BQL Vườn đã xây dựng phương án tài chính để chăm sóc nuôi dưỡng 7 cá thể hổ giai đoạn 2022 - 2023, định hướng 2025; đồng thời tìm kiếm, kêu gọi các cá nhân, tổ chức hỗ trợ kinh phí để chăm sóc nuôi dưỡng hổ.
Trong một năm qua, đơn vị đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, sự đồng hành và hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Chua me đất (Oxalis); Công ty TNHH Ceva Animal health Việt Nam; Công ty TNHH Jungle Boss..., sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức bảo tồn trong nước trong nước và quốc tế như: Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Save Vietnam Wildlife (SVW), Tổ chức Động vật châu Á (AAF),... trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng hổ. Bên cạnh đó, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đã hợp đồng với doanh nghiệp đủ năng lực để cung cấp thức ăn cho hổ theo định mức khẩu phần được phê duyệt nhằm đảm bảo nguồn cung thức ăn thường xuyên và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một trong 7 cá thể Hổ đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại VQG PNKB
Trung tâm đã bố trí luân phiên ít nhất 02 nhân viên thường trực mỗi ngày để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 07 cá thể hổ, ngoài ra còn có sự hỗ trợ thường xuyên của nhân viên và chuyên gia của Tổ chức động vật châu Á (AAF).
Sau khi các cá thể hổ đã làm quen với chuồng nuôi, môi trường xung quanh và người chăm sóc, được sự tư vấn của tổ chức AAF, nhóm chăm sóc đã thường xuyên làm giàu môi trường trong chuồng nuôi nhằm tăng khả năng vận động, khuyến khích các hành vi tự nhiên của hổ trong điều kiện nuôi cách ly kiểm dịch. Đến nay, các cá thể hổ đã phát triển ổn định. Trung bình mỗi cá thể hiện nay có trọng lượng khoảng 95kg; thể trạng đảm bảo vận động linh hoạt, sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, các cá thể hổ hiện đang ở khu chuồng liền cách ly thú dữ có diện tích nhỏ và chưa có sân chơi do đó việc mở rộng không gian sinh cảnh cho đàn hổ là điều cấp thiết. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phê duyệt quy hoạch điều chỉnh bổ sung Khu cứu hộ động vật hoang dã, trong đó có diện tích 3.000m2 cho công tác bảo tồn hổ. Hiện nay, BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang gấp rút tiến hành xây dựng khu bán hoang dã (gần với tự nhiên) nằm trong Khu cứu hộ và trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1: xây dựng ba khu vực nuôi nhốt hổ ở ba vị trí riêng biệt, bố trí theo hình tam giác. Mỗi khu rộng hơn 100 m2, chia làm ba chuồng, mỗi chuồng rộng 26 m2. Giai đoạn 2: khu vực mở rộng lên 3.000 m2, có hàng rào và thiết bị kỹ thuật đảm bảo nuôi thả hổ trong môi trường bán hoang dã.
Chuồng nuôi hiện tại các cá thể Hổ
Sự sinh trưởng, phát triển tốt của các cá thể hổ trong một năm qua đã khẳng định năng lực cứu hộ của BQL Vườn cũng như sự phù hợp của quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng loài này. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, với sự mở rộng của khu vực nuôi dưỡng, loài động vật này sẽ được làm quen với môi trường bán hoang dã, góp phần bảo tồn loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao này./.